Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Leica Camera - Dr. Andreas Kaufmann tiết lộ những điều liên quan đến chiến lược duy trì thương hiệu máy ảnh biểu tượng của Đức.
Chân dung Dr. Andreas Kaufmann - Chủ tịch HĐQT Leica Camera.
Andreas Kaufmann có một sự ấm áp phi thường mà người ta không hề mong đợi từ một nhà lãnh đạo công ty. Có lẽ đó là vì ông đã sống một cuộc sống rất khác trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT của Leica Camera.
Sinh ra và lớn lên ở Đức, Andreas và hai người anh em của mình được thừa hưởng Frantschach, một công ty sản xuất giấy và bột giấy lớn của gia định họ. Nhưng vì tất cả anh em không thể cùng ngồi vào vị trí quản lý, vì vậy Andreas được tự do theo đuổi những sở thích khác. Tại trường đại học, ông học ngành khoa học chính trị, lịch sử và văn học, sau đó trở thành thành viên sáng lập của Đảng Xanh. Ông cũng vừa trở thành giáo viên vừa theo đuổi nhiều khoản đầu tư khác nhau trong suốt 15 năm.
Một trong những khoản đầu tư này sau đó đã đưa ông đến với Leica. Thương hiệu này đã lần đầu gây ấn tượng sâu sắc với ông ở tuổi 20, khi vị hôn thê của ông trở về nhà với một chiếc máy ảnh trên tay. "Cô ấy nói: 'Hãy nhìn xem em có gì này'. Và tôi đáp 'Đó là một chiếc máy ảnh'" - ông kể lại với một nụ cười đầy trìu mến. "Cô ấy lại nói 'Không, anh hãy nhìn lại'. Tôi nhìn lại và nói rằng nó vẫn là một chiếc máy ảnh. Cô ấy đáp: 'Không, nó là một chiếc Leica'. 'Tôi vẫn còn nhớ y nguyên giọng nói của cô ấy lúc đó, có một sự nhấn mạnh rõ ràng khi cô ấy nói điều đó.'"
Mối quan hệ đó đã chấm dứt (“Chiếc máy ảnh đó không được sử dụng đến”- ông cam đoan với chúng tôi). Nhưng mối tình giữa Andreas và Leica đã nảy nở sau đó hàng thập kỷ. Năm 2014, ông mua lại cổ phần của nhà sản xuất máy ảnh danh tiếng của Đức. Những chiếc máy ảnh được chế tác và lắp ráp thủ công tinh xảo của Leica đã định nghĩa lại nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh đường phố trong thế kỷ 20, nhưng vào thời điểm đầu thế kỷ 21, điều đó đã có chút thay đổi. Điều vô cùng quan trọng đã xảy ra, đó là quá trình chuyển đổi sang nhiếp ảnh kỹ thuật số - một thách thức lớn, còn “bản thân chiếc máy ảnh thì chẳng có vấn đề gì cả” – Andreas khẳng định. Leica đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ kỹ thuật số từ đầu năm 1994 và đã có thể chuyển toàn bộ các dòng máy của mình sang kỹ thuật số trong khi vẫn giữ được những lời ca ngợi vì sự xuất sắc về kỹ thuật quang học.
Việc định vị lại thương hiệu được cho là một bước nhảy vọt lớn hơn cả. Andreas bị Leica thu hút vào năm 2004 vì Hermès là cổ đông chính của công ty vào lúc đó. Thương hiệu xa xỉ của Pháp lần đầu tiên bước vào thế giới công nghệ theo quyết định của Giám đốc điều hành Jean-Louis Dumas, một Leicaman cuồng nhiệt. Với việc Hermès cung cấp kinh nghiệm chuyên môn về bán lẻ hàng xa xỉ, Andreas bắt đầu thay đổi cách Leica bán máy ảnh, chủ yếu thông qua các cửa hàng bán lẻ chính hãng thay vì những đại lý máy ảnh. Hiện tại, công ty đã sở hữu 50 trên tổng số 83 cửa hàng Leica trên toàn thế giới, phần còn lại là hợp tác với các đối tác.
“Chúng tôi phải kiểm soát thương hiệu, lợi nhuận và khách hàng của mình”, Andreas giải thích. “Đó là một cuộc cách mạng chậm, nhưng cách tiếp cận trực tiếp với những người cần đến sản phẩm của chúng tôi đã tạo ra sự khác biệt.” Ông đang ám chỉ đến sự tăng trưởng tự nhiên của 10 cửa hàng mới mỗi năm, và gần đây là sự trở lại của Leica Store tại Raffle Hotel Arcade ở Singapore, bao gồm cả Leica cafe và một gallery trưng bày những bức ảnh được chụp bởi những nhiếp ảnh gia Leica nổi tiếng, minh chứng cho hào quang của sự tinh tế mà thương hiệu muốn tạo ra. “Rốt cuộc, khi một ai đó bước vào một cửa hàng Leica, ngay lập tức họ thuộc về nhóm thiểu số” - Adreas tin là như vậy. “Bạn được xếp vào một nhóm người mà biết rằng họ muốn những điều tốt nhất”.
Đồng hồ Leica. © Hosanna Swee
Andreas cũng đang theo đuổi sự đổi mới trên các mặt trận khác. Năm 2016, Leica hợp tác với Huawei về máy ảnh trên smartphones, và ra mắt phòng thí nghiệm đổi mới với công ty Công nghệ Thông tin này của Trung Quốc.
Năm 2018, Leica bắt đầu bán đồng hồ xa xỉ của riêng mình. Công ty cũng đầu tư vào các dự án start-up về công nghệ biến đổi game đầy tiềm năng.
Nhưng truyền thống vẫn được duy trì ở một khía cạnh nào đó, và Leica là một trong số ít những nhà sản xuất máy ảnh film còn tồn tại. Tuy nhiên, Andreas nhắc nhở chúng ta rằng "chúng tôi không phải một bảo tàng và không được ngân sách nhà nước tài trợ. Nếu khách hàng không muốn những chiếc máy ảnh này nữa, chúng tôi sẽ ngừng sản xuất chúng". Cuối cùng, ông nói: "Luôn có lý do khiến mọi thứ thay đổi. Nếu hôm nay bạn nhìn ra ngoài và vẫn chỉ thấy những chiếc xe ngựa, thì đó lại trở thành vấn đề."
Theo Hong Xinyi/Singpapore Tatler.
---
Ông Nguyễn Gia Phong (trái) và Ông Đỗ Quốc Khánh (phải) - 2 Giám đốc của Leica Vietnam bên cạnh Dr. Andreas Kaufmann - Chủ tịch HĐQT Leica Camera.
Leica Vietnam là đơn vị chính hãng độc quyền duy nhất tại Việt Nam nằm trong chuỗi 83 cửa hàng trên toàn thế giới. Hiện nay Leica Vietnam có duy nhất 02 địa điểm showroom tại:
- Leica Boutique Hanoi: Số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: 024 3201 4848
- Leica Boutique Saigon: Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 028 7309 6665
__