Trong cuộc trò chuyện mới đây, hai Nhà quản lý tại Leica là Peter Karbe và Stefan Janssen đã giúp khán giả có thêm hiểu biết về sự hình thành, triết lý thiết kế cũng như phát triển vô cùng độc đáo của hệ thống ống kính Leica.
Peter Karbe, Trưởng bộ phận Phát triển Quang học tại Leica, là một chuyên gia ống kính thực thụ với kinh nghiệm nhiều thập kỷ trong lĩnh vực này.
Stefan Janssen là gương mặt mới với vị trí Giám đốc mảng Ống kính, ông là người quyết định hướng phát triển của các hệ thống ống kính Leica hiện hành.
Leica Vietnam trân trọng tóm lược cuộc trò chuyện đầy thú vị thông qua 5 điểm thú vị được rút ra về việc phát triển ống kính từ hai Nhà quản lý chính của Leica.
1. Niềm đam mê với Nhiếp ảnh và Điện ảnh là giá trị cốt lõi của cả Peter và Stefan.
Sau khi giới thiệu sơ lược về công việc tại Leica, cả Stefan và Peter đều chia sẻ rằng Nhiếp ảnh chính là yếu tố kích thích và thúc đẩy họ.
Stefan nhấn mạnh rằng không chỉ Nhiếp ảnh tư liệu, mà cả Điện ảnh cũng có sức ảnh hưởng lớn tới ông. Cách mà các câu chuyện được truyển tải thông qua tông màu độc đáo, góc nhìn sáng tạo hay công nghệ được sử dụng để truyền tải luôn thu hút ông.
Cùng chung đam mê nhưng Peter lại có tình yêu mãnh liệt với Nhiếp ảnh nghệ thuật, ông sử dụng ống kính để ghi lại cuộc sống hàng ngày: từ phong cảnh khi đi bộ trong rừng cho đến những góc máy gần hơn trong vườn - ôm trọn Thế giới tự nhiên xung quanh ông.
Quan điểm chung từ hai Nhà quản lý là chính Nhiếp ảnh và Điện ảnh đã tạo động lực lớn cho chuyên môn của họ. Và thật tuyệt vời khi có thể thúc đẩy bản thân bằng cách kể câu chuyện thông qua sản phẩm tạo ra bởi chính mình!
2. Việc kiểm thử nguyên mẫu không chỉ chú trọng vào hiệu suất, mà còn về cảm nhận.
Khi được hỏi về việc quá trình và trải nghiệm kiểm thử các ống kính nguyên mẫu, cả hai Nhà quản lý đều thừa nhận rằng cảm giác đó giống như Giáng sinh đến sớm, ai cũng muốn tới lượt mình được trải nghiệm món “đồ chơi” mới trước khi chia sẻ với mọi người.
Không có gì ngạc nhiên khi cả Peter và Stefan đều dành rất nhiều thời gian cho các sản phẩm mẫu, nhưng điều ấn tượng là thứ họ tìm kiếm trong quá trình thử nghiệm. Không chỉ các yếu tố hiệu suất được đảm bảo giống như thông số đưa ra. Họ phải dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để đảm bảo cảm nhận khi sử dụng ống kính là vừa phải và đồng nhất.
Đối với ống kính APO-Summicron-M 35 f/2 ASPH. mới, chính sự chú ý tới chi tiết này đảm bảo rằng việc vòng quay lấy nét mới cho cảm giác tương đồng với với tất cả hệ thống ống kính Leica M, cho tới điểm mà ống có thể quay xa hơn và lấy nét gần hơn tại 0.3m.
Họ chú trọng nhiều hơn để luôn đảm bảo một ống kính Leica có cảm giác như một ống kính Leica, ngay cả khi những công nghệ mới được áp dụng. Các ống kính này sau đó cũng được kiểm thử bởi các Nhiếp ảnh gia và Nhà quay phim trên toàn cầu để có được thông tin chi tiết.
3. Ý tưởng mới cho ống kính thường đến từ người dùng Leica và những phản hồi của họ.
Nếu được giao nhiệm vụ đưa ra ý tưởng cho ống kính mới, đây sẽ là đề tài hấp dẫn để khai thác trí tưởng tượng của những kỹ sư ở Leica với những khái niệm điên rồ và ấn tượng nhất. Thật dễ dàng nghĩ về một ống kính hoàn hảo, nhưng việc tạo ra chúng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Một điều thú vị là ý tưởng về ống kính mới thường đến trực tiếp từ mong muốn và sự phản hồi nhiệt tình của những người sử dụng Leica hàng ngày, mang tới không chỉ sự nhạy bén về kỹ thuật mà cả tầm nhìn sáng tạo với góc nhìn từ phía người dùng.
Điển hình như hệ thống APO-Summicron-M cũng bắt đầu từ một khái niệm được xây dựng trên phản hồi từ các cuộc khảo sát khách hàng Leica. Và từ nhu cầu mạnh mẽ ban đầu đó, một hệ thống ống kính nổi bật đã được phát triển trong nhiều năm sau đó.
Điều thú vị là Stefan thậm chí còn xem lại các cuộc phỏng vấn của “Leica Tech Talk: The Classics Never Die” để thu thập những ý tưởng mới trên các ống kính có sẵn. Câu hỏi được đặt ra là “Liệu khán giả muốn ống kính cổ điển nào lại được xuất hiện trong tương lai?” và từ cuộc trò chuyện đó, Stefan ngay lập tức đã có một loạt các ý tưởng đủ điều kiện để lấy cảm hứng cho tương lai.
4. Hệ thống ống kính Leica luôn bền vững trong tương lai - và quy trình xử lý ảnh kỹ thuật số còn giúp đảm bảo điều này hơn nữa.
Peter đã đề cập đến việc “ngay từ đầu, thiết kế ống kính Leica đã trở nên bền vững trong tương lai”. Đây là lý do ngày nay, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng ống kính từ những năm 1950 hoặc thậm chí cũ hơn trên thân máy Leica M10-R có độ phân giải tới 40MP mà vẫn có kết quả ấn tượng. Chúng ta có thể cảm ơn các thiết kế ban đầu, với những tiêu chuẩn khắt khe được đặt ra để giờ đây các ống kính đời cũ vẫn hoàn toàn sử dụng được trên thân máy Leica với độ phân giải cao nhất hiện nay.
Một điều đảm bảo hơn nữa chính là quy trình xử lý ảnh kỹ thuật số đã được phát triển: Một tấm ảnh kỹ thuật số thời nay từ khi được chụp tới khi được in ra mất rất ít chi tiết. Với quy trình quang học cổ điển, tấm hình được xử lý qua nhiều bước (bao gồm tráng, rọi, phóng lớn,…), dẫn đến giảm hiệu suất so với hình ảnh gốc được chụp bởi ống kính máy ảnh.
Ngày nay, quy trình xử lý ảnh kỹ thuật số gần như không làm mất dữ liệu sau khi ảnh được chụp, dù được chụp bằng hệ thống ống kính mới hay cũ trên máy ảnh. Và cụ thể trong trường hợp này, công nghệ đã giúp đảm bảo hơn nữa tính bền vững của hệ thống ống kính Leica.
5. Những điểm khác biệt cơ bản giữa thiết kế thấu kính của Leica Q2 và Leica M
Để trả lời câu hỏi tuyệt vời đến từ khán giả, Peter Karbe đã giải thích về sự khác nhau giữa thiết kế ống kính Summilux 28 f/1.7 ASPH. trên Leica Q2 / Q2 Monochrom đối với các hệ thống ống kính khác.
Yếu tố lớn nhất nằm ở kích thước và khoảng cách: Các thành phần quang học của Q2 cần nhiều không gian hơn và ở gần cảm biến hơn bất cứ ống kính M nào. Và việc này sẽ không thể thực hiện trên một hệ thống máy ảnh thay ống kính và sử dụng màn trập phẳng (Focal Plane Shutter) phía trước cảm biến. Với Leica Q2, hệ thống màn trập trung tâm (Central Shutter) nằm trên ống kính giúp giải phóng nhiều không gian cần thiết, tuy nhiên thành phần kính cũng không được quá lớn để ảnh hưởng tới tốc độ chụp nhanh với loại màn trập này.
Vì vậy, vẫn sẽ có những lợi ích cũng như những điểm phải hy sinh ngay cả trên một hệ thống kín như máy ảnh compact. Còn với hệ thống Leica M, khả năg tương thích của máy với nhiều loại ống kính là điều tối quan trọng.
Cuộc trò chuyện với Peter Karbe và Stefan Janssen có thể kéo dài hàng giờ nhưng vẫn mang lại những điều mới mẻ và kiến thức bổ ích. Xin cảm ơn 2 Nhà quản lý về những điều thú vị cũng như kiến thức đáng giá về hệ thống ống kính của Leica.
Tổng hợp và biên dịch: Thành Đạt Trương / LeicaVietnam
__
Leica Vietnam
Leica Boutique Hanoi: Số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - ĐT: 024 3201 4848
Leica Boutique Saigon: Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - ĐT: 028 7309 6665
Hotline: 0945 488 948
Email: info@leicavietnam.com | Website: www.leicavietnam.com
Fanpage: https://www.facebook.com/leicavietnam
Instagram: @leicavietnam | Youtube: Leica Vietnam