LEICA PORTRAIT | KIÊN HOÀNG LÊ: KHÚC CA DÀNH CHO LICHTENBERG
  • Liên hệ: 0945 488 948
  • Brand Story

LEICA PORTRAIT | KIÊN HOÀNG LÊ: KHÚC CA DÀNH CHO LICHTENBERG

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm kết nghĩa giữa hai thành phố Tokyo và Berlin (2019), nhiếp ảnh gia Kiên Hoàng Lê đã chụp lại Thủ đô nước Đức cho dự án triển lãm tại Berlin. Những tấm ảnh trong dự án này được chụp tại Quận Lichtenberg, bao gồm chân dung, phong cảnh và cả tĩnh vật, mang tới cho người xem những góc nhìn và khía cạnh lớn nhỏ đa dạng của khu đô thị này.

Bộ ảnh này mới đây đã được lựa chọn là bộ ảnh chính giới thiệu trong Tạp chí LFI, tháng 4/2020.

Bộ ảnh Ode to Lichtenberg của nhiếp ảnh gia Kiên Hoàng Lê trên tạp chí LFI, số tháng 4/2020.
 

Trên quan điểm nhiếp ảnh, Berlin là Thủ phủ vốn đã quá nổi tiếng với vô vàn hình ảnh. Vậy điều gì vẫn thu hút anh thực hiện dự án lần này?

Khi có thông tin về triển lãm, tôi ngay lập tức biết mình muốn dành dự án lần này cho cộng đồng người Việt. Và tôi mong muốn có thể cho mọi người thấy được nhiều hơn những mảnh khác của Berlin, những phần hiếm khi nằm trong nhận thức của mọi người.

Một thành phố thường được đĩnh nghĩa bởi không gian dành cho cư dân cũng như du khách. Tôi quyết định xem xét kỹ hơn về quận Lichtenberg, và cho phép các nhân vật chính trong dự án thể hiện theo một góc nhìn mới. Theo quan điểm của tôi, đây chính là những người định nghĩa trải nghiệm cá nhân của một thành phố.

Đường ống sưởi ấm đường dài chạy qua một khu đất phía sau khu công nghiệp Herzbergerstraße.
© Kiên Hoàng Lê

Hoa khô trong phòng của Trà.
© Kiên Hoàng Lê

Anh sinh ra tại Việt Nam, lớn lên ở Bogensee trong chế độ cũ, và bây giờ là ở Berlin. Liệu anh còn giữ góc nhìn của một người ngoài hay đã nhìn nhận thành phố này như một công dân nơi đây?

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi không còn quan điểm của một người ngoài cuộc. Tuy nhiên, trong công việc về nhiếp ảnh và quay phim về Berlin-Lichtenberg, tôi tìm hiểu lại khu phố này thông qua góc nhìn của những nhân vật chính trong dự án.

Giám tuyển Felix Hawran và bạn gái trong căn hộ mới của hai người. Tấm thảm là thứ đầu tiên họ cùng nhau mua.
© Kiên Hoàng Lê

Những tấm ảnh của anh thể hiện con người, thiên nhiên và cả những tòa nhà. Đây có phải những điều định nghĩa một thành phố?

Theo tôi nghĩ, tính cách của một thành phố được thể hiện qua những không gian sống mà con người tạo ra. Bên trong đó, con người giới hạn thiên nhiên theo nhu cầu của họ. Trong những tấm ảnh của mình, tôi chỉ thể hiện một phần nhỏ trong đó. Vậy nên tôi thích kết hợp giữa ảnh chân dung, phong cảnh cũng như tĩnh vật. Những mảnh ghép này cho phép người xem có cái nhìn toàn cảnh và chính họ có thể tự ghép nối chúng lại với nhau.

Mỗi trải nghiệm mới, mỗi cuộc gặp gỡ mới, mỗi suy nghĩ mới đều khắc họa một bức tranh mới về Berlin-Lichtenberg, nói rộng hơn, là một bức tranh mới về Berlin. Sau cùng, người xem sẽ liên tục có thể thay đổi những mảnh ghép trong tâm trí riêng của mình.

Góc nhìn qua cửa sổ của Jimmy Tan tại khu kí túc xá dành cho sinh viên ở Storkower Straße.
© Kiên Hoàng Lê

Cô giáo Martina Zimmermann trong không gian tại Studio im Hochhaus Gallery.
© Kiên Hoàng Lê

Nhà vật lý công trình tại dự án khu vườn Villa Kuriosum.
© Kiên Hoàng Lê

Nguyễn Ngọc Anh, nhân viên xã hội kiêm nhạc sĩ, trong căn hộ cô thuê chung cùng hai người bạn gần ga Lichtenberg.
© Kiên Hoàng Lê
 

Trong triển lãm, chúng tôi nhận thấy những hình ảnh của Berlin luôn được treo cạnh những tấm hình từ Tokyo. Anh đã sống ở Nhật Bản trong một thời gian dài. Vậy có điểm gì chung anh nhận thấy ở hai thành phố này?

Đó thật sự là một trải nghiệm thú vị khi tôi học được cách nhìn Berlin với con mắt khác sau thời gian ở Tokyo. Ấn tượng về Tokyo như một đô thị công nghệ cao đã bám chặt trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, trong thời gian ở đó, tôi đã khám phá ra nhiều ngôi làng nhỏ nơi đây vẫn tồn tại ngay khi tôi đi vào các con đường nhỏ.

Khi trở về Berlin, điều này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: thành phố này đã phát triển từ các ngôi làng nhỏ khác nhau, và tới nay người dân nơi đây hiếm khi chuyển đi mà vẫn sinh sống trong các khu phố này.

Những tấm hình của anh cho thấy một Berlin khác biệt, không hẳn là hiện đại, và dường như có chút hoang tàn..

Berlin đúng là có dáng vẻ thô ráp và cổ điển, nhưng tôi không thấy thành phố này hoang tàn. Những toà nhà bê tông đúc sẵn là hiện tượng của những năm 60, thời điểm mà thành phố trong tình trạng thiếu nhà ở. Những địa điểm lớn thường được nhường chỗ cho sự phát triển; sự phá hủy cũng như phục hồi có xu hướng mang tới sự biến động. Tôi coi đây là biểu tượng của sự thay đổi tích cực. Những kiến trúc cũ được người ta biến đổi để tạo ra không gian mới, phục vụ nhu cầu của chính họ.

Cổng vào chợ Đồng Xuân tại Berlin.
© Kiên Hoàng Lê

Liệu việc lớn lên trong chế độ CHDC Đức cũ có ý nghĩa nào tới những tác phẩm của anh không?

Tất nhiên là tiểu sử bản thân có ảnh hưởng tới tác phẩm của tôi. Đây thực sự là lý do tôi bắt đầu với ý tưởng về cộng đồng người Việt, và sau đó là sự thay đổi của Lichtenberg.

Lichtenberg mang nặng giá trị lịch sử. Trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, đây là trụ sở của Cảnh sát mật vụ Stasi, và đây là cộng đồng ít nhiều bị kiểm soát. Trước đây, khu vực này thường được biết tới là làng Mielke.

Rene Schwettmann - thợ phục chế, trên nóc nhà kho anh đang chuyển đổi mục đích sử dụng thành nhà ở và văn phòng cho gia đình.
© Kiên Hoàng Lê

Anh sử dụng Leica S2 cho dự án ảnh của mình. Vậy trải nghiệm với máy ảnh này ra sao?

Dù là một chiếc máy ảnh medium format, chiếc Leica S2 thực sự tiện dụng. Tôi không muốn phải mang quá nhiều thiết bị mà chỉ thích tập trung vào con người, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận và nói chuyện với họ. Vì vậy tôi chỉ mang theo một máy Leica S2 cùng ống kính 70mm f/2.5 để dạo quanh khu phố. Sử dụng ống kính này quả thực như một giấc mơ. Nó giúp tôi thể hiện những nhân vật trong không gian của họ, nhưng đồng thời vẫn tách biệt được họ ra khỏi hậu cảnh.

Bên cạnh đó tôi cũng thực hiện quay phim những cuộc phỏng vấn với Leica SL, các thao tác rất tiện lợi và lấy nét tự động khi quay phim thực sự là điều không thể thiếu.

Quá trình xây lại địa điểm tổ chức sự kiện tại Trung tâm chợ Đồng Xuân, Berlin.
© Kiên Hoàng Lê

Anh có công thức cụ thể nào trong việc sử dụng thiết bị không?

Tôi cố gắng chỉ dùng những thiết bị thật cần thiết. Tùy theo cách kể chuyện, có thể tôi chỉ cần một chiếc máy ảnh với ống kính tiêu cự cố định hoặc một chiếc studio di động. Trong dự án Lichtenberg, tôi sử dụng máy ảnh Leica S2 cùng ống kính 70mm f/2.5, và một máy Leica SL cùng ống 24-90mm để quay phim. Thêm vào đó chỉ là một đèn quay phim, một chiếc mic và máy ghi âm để thực hiện phỏng vấn.

Anh thực hiện dự án lần này sử dụng ảnh màu, nhưng các tấm hình không rực rỡ, thay vào đó là tông màu khá nhẹ nhàng. Liệu đây có phải là một sự cố ý?

Tại thời điểm thực hiện dự án, thành phố Berlin được bao phủ bởi một màu nắng ấm. Tôi muốn thể hiện vẻ đẹp đầy ấm cúng này thông qua tính thẩm mỹ của các bức hình.

__


Chân dung tự chụp của nhiếp ảnh gia Kiên Hoàng Lê.

Nhà nhiếp ảnh Kiên Hoàng Lê, sinh năm 1982 tại Hà Nội, lớn lên tại Bogensee, CHDC Đức cũ. Anh từng có thời gian sinh sống tại Vương Quốc Anh, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Anh tốt nghiệp Nhiếp ảnh Phóng sự và Tư liệu tại Hanover. Hiện tại, anh sống và làm việc tại Berlin và Frankfurt, thực hiện các phóng sự cũng như ảnh chân dung cho các ấn phẩm báo chí, khách hàng doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.

Tìm hiểu thêm về Nhà nhiếp ảnh Kiên Hoàng Lê tại: hoangle.de/

Tổng hợp và biên dịch: Thành Đạt Trương / LeicaVietnam

__

Leica Vietnam

Leica Boutique Hanoi: Số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - ĐT: 024 3201 4848
Leica Boutique Saigon: Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - ĐT: 028 7309 6665
Hotline: 0945 488 948
Email: info@leicavietnam.com | Website: www.leicavietnam.com
Fanpage: https://www.facebook.com/leicavietnam
Instagram: @leicavietnam | Youtube: Leica Vietnam