Chụp ảnh pháo hoa luôn là một trải nghiệm thú vị, nhưng đây cũng là thách thức về kỹ thuật với nhiều Nhiếp ảnh gia: Với những người mới bắt đầu, việc chụp lại một hiện tượng nhanh và sáng như vậy trên bầu trời đêm có thể là thách thức. Trong khi đó, những người chụp chuyên nghiệp sẽ cần phải tối ưu các thông số chụp, đồng thời cũng cần lưu ý các yếu tố như vị trí đặt máy hay bố cục khung hình để có thể khai thác được bố cục ưng ý.
Photo: LeicaStoreWA
Ở bất kỳ cấp độ kỹ năng nào, sẽ luôn có cách để bạn có thể chụp ảnh pháo hoa - ghi lại trải nghiệm kinh ngạc và thú vị của hiện tượng này, dù với chế độ Tự động (Auto) hay Thủ công (Manual). Bài viết lần này sẽ mang tới một số cách tiếp tận cơ bản và thực hành để chụp pháo hoa, cũng như việc chọn thiết bị hay thời điểm phù hợp.
Việc chụp ảnh pháo hoa sẽ có một số nguyên lý cơ bản và hướng dẫn chung cần tuân theo. Trước hết, bạn nên có các thiết bị sau:
1. Một chân máy (tripod) chắc chắn.
2. Một máy ảnh ở chế độ Thủ Công hoặc Tuỳ chọn Fireworks (Pháo hoa) có thể được tìm thấy trong Scene Mode (Chế độ chụp Cảnh).
3. Dây bấm mềm từ xa hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh được kết nối để có thể chụp ảnh mà không cần chạm vào thân máy.
4. Một vị trí chụp không bị cản trở - sẽ quá muộn để di chuyển lấy tầm nhìn khi màn trình diễn pháo hoa bắt đầu.
5. Pin máy ảnh dự phòng.
Có lẽ bạn từng thử chụp pháo hóa trước đây và tự hỏi tại sao hình ảnh lại bị mờ hoặc những vệt pháo hoa bị cháy sáng trở thành màu trắng tinh. Khi bạn hướng máy ảnh của mình vào bầu trời đêm, máy sẽ nhận diện đó là một chủ thể tối và cần được làm sáng, chiếc máy sẽ không thể biết được một chùm pháo sáng rực rỡ sẽ xuất hiện khi bạn bấm nút chụp. Điều này thường dẫn đến việc bức ảnh bị thừa sáng, hoặc ngược lại - một bức ảnh thiếu sáng với các vệt màu bị mờ trên một khoảng trống màu đen.
Đây chính là lúc chúng ta cần áp dụng kỹ thuật và kiến thức chụp ảnh pháo hoa. Có 2 cách để bạn có thể tiếp cận cách chụp pháo hoa, giúp bạn có cơ hội để đạt được kết quả tốt nhất:
A - Kiểm soát toàn bộ thông số trên máy ảnh một cách thủ công.
B- Sử dụng chế độ Fireworks (Pháo hoa) để máy ảnh biết trước bạn sắp chụp điều gì.
Tuỳ chọn Fireworks (Pháo hoa) có thể được tìm thấy trong Scene Mode (Chế độ chụp Cảnh) trong hệ thống máy ảnh Leica.
Tùy chọn Fireworks - Pháo hoa trong chế độ Scene Mode
CÁCH CHỤP CƠ BẢN:
Hãy bắt đầu với chức năng của một máy ảnh có Scene Mode (Chế độ chụp Cảnh) - Fireworks (Pháo hoa) chuyên dụng có thể giúp cho những người mới bắt đầu. Leica Q2, Leica CL và Leica TL2 là một vài máy ảnh có cài đặt sẵn chế độ Fireworks (Pháo hoa).
Đối với các máy ảnh không có Fireworks (Pháo hoa), chẳng hạn như Leica D-Lux 7, V-Lux 5 và C-Lux, hãy thử “Artistic Nightscape” (Cảnh đêm nghệ thuật) hoặc “Handheld Night Shot” (Chụp đêm cầm tay).
Khi chế độ Fireworks (Pháo hoa) được chọn, máy ảnh sẽ tự động quản lý gần như tất cả mọi thông số, mọi điều chỉnh về tốc độ màn trập hoặc khẩu độ đều bị bỏ qua. Bạn vẫn có thể điều chỉnh Bù trừ sáng (Exposure Compensation - EV) để làm bức ảnh tối đi hoặc sáng lên, máy ảnh sẽ tự điều chỉnh các thông số theo đó cho phù hợp.
Hãy để ý tới thông số mà máy đã chỉnh sẵn cho bạn. Ví dụ: Tốc độ 4s, Khẩu độ f/8 và ISO tự động - đây là một thông số được thiết lập tốt, có thể áp dụng trong nhiều trường hợp chụp pháo hoa. Việc chụp ảnh ở tốc độ chậm như 4s cũng yêu cầu người chụp cần trang bị chân máy (tripod) hoặc đặt máy ảnh ở vị trí cố định. Việc giữ máy trong thời gian dài sẽ gây ra hiện tượng mờ nhòe do rung tay.
Bạn có thể sử dụng tính năng Self-timer của máy ảnh để hẹn giờ 2s hoặc 12s khi ở chế độ Pháo hoa. Việc hẹn giờ giúp giảm thiểu các tác động lên máy ảnh khi không có dây bấm nối dài, nhưng nó làm cho việc ước tính thời điểm pháo hoa bắn trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng ứng dụng Leica FOTOS trên điện thoại thông minh của mình để kích hoạt từ xa với máy ảnh hỗ trợ WiFi.
Sau khi thiết lập xong chế độ, cố định vị trí máy, gắn điều khiến từ xa hoặc hẹn giờ, bạn hãy chụp pháo hoa ngay khi bắt đầu. Vì những buổi trình diễn này thường không kéo dài, bạn nên bắt đầu sớm để có thể xem lại và thực hiện bất kỳ điều chỉnh cần thiết ngay lập tức. Hãy xem xét độ sáng của hình ảnh và điều chỉnh Bù trừ sáng (EV) nếu cần, sau đó hãy nhanh chóng tập trung vào định hình bố cục và bắt kịp với nhịp điệu của pháo hoa đang được bắn.
Khung hình của bạn cần phải đủ rộng để cho phép pháo hoa bung ra hết cỡ mà không bị cắt xén. Hãy thử đoán chừng và kiểm tra ảnh sau khi chụp trên màn hình để chụp được những chùm pháo hoa tuyệt đẹp. Chụp, kiểm tra và điều chỉnh nhanh chóng - ngay cả khi ban đầu máy ảnh đã thực hiện những tuỳ chỉnh thông số sẵn cho bạn.
Photo: Antonio Di Benedetto - Leica Q2
CÁCH CHỤP NÂNG CAO:
Để có kết quả tốt và sáng tạo nhất khi chụp pháo hoa, bạn sẽ cần điều khiển toàn bộ mọi khía cạnh của máy ảnh. Việc này bao gồm kiểm soát Tốc độ chụp, Khẩu độ, ISO và lấy nét. Hãy sử dụng định dạng ảnh RAW hoặc RAW+JPG, ảnh RAW sẽ cho phép tối ưu khả năng chỉnh sửa về ánh sáng hay màu sắc với các phần mềm hậu kỳ như Lightroom hay Capture One.
Đối với việc phơi sáng và lấy nét, bạn cần kiểm soát và điều chỉnh các thông số sau:
- ISO: Chọn ISO thấp nhất có thể, như ISO 100 hoặc 200. Pháo hoa thường có ánh sáng rất mạnh, còn ISO kiểm soát độ sáng tối của toàn bộ khung hình. Vì vậy hãy giữ ISO thấp để đảm bảo tấm ảnh ít bị nhiễu (noise) và duy trì được dải chuyển sáng (dynamic range), từ đó ta có thể giữ chất lượng hình ảnh và độ trung thực của màu sắc.
- Tốc độ màn trập: Với chế độ Pháo hoa, tốc độ mặc định được lựa chọn là 4s, tuy nhiên với cách chụp nâng cao, bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm tốc độ chụp của mình ở 2, 8 hay thậm chí là 11s. Hãy thử sử dụng Bulb mode, đây là chế độ cho phép màn trập mở khi bạn giữ nút chụp, giúp chủ động trong quá trình chụp. Các máy ảnh Leica hiện tại đều có chế độ B (Bulb mode) hoặc T (Time mode) giúp chụp phơi sáng với thời gian dài.
- Khẩu độ: Hãy sử dụng khẩu độ f/8 hoặc f/11, việc khép khẩu độ là cần thiết khi chụp phơi sáng với thời gian dài như vậy. Bạn cũng có thể thử nghiệm với những độ mở lớn hơn, nhưng việc đó sẽ giới hạn thời gian chụp lại ngắn hơn nhiều.
- Lấy nét: Hãy tắt lấy nét tự động (nếu có) trên máy ảnh của bạn và điều chỉnh đặt khoảng lấy nét ở vô cực. Việc này sẽ đảm bảo hình ảnh pháo hoa được sắc nét và giúp bạn giảm thiểu thời gian và khả năng lấy sai nét khi bắt đầu chụp. Nếu pháo hoa ở khoảng cách rất gần, bạn có thể thử lấy nét vào chùm pháo hoa đầu tiên hoặc một cột mốc ở cùng khoảng cách. Mẹo nhỏ: Nếu sử dụng hệ thống Leica SL và chế độ lấy nét thủ công, bạn có thể bấm vào cần điều khiển joystick để chọn lấy nét tự động nhanh rồi khóa tại điểm đó.
- Giảm nhiễu hình ảnh phơi sáng: Trên phần lớn các máy ảnh Leica, việc giảm nhiễu tự động sẽ được áp dụng khi bạn chụp phơi sáng với thời gian dài từ 1s trở lên. Máy sẽ chụp ảnh theo tốc độ được chỉ định, sau đó ngay lập tức chụp thêm một tấm ảnh khác trong bóng tối cùng khoảng thời gian đó để sử dụng làm “mốc” giúp loại trừ hiện tượng nhiễu (noise) trên tấm ảnh gốc. Vì vậy, việc phơi sáng thời gian 10s sẽ tốn của bạn 20s. Bạn cần ghi nhớ điều này để có thể căn chỉnh thời gian phù hợp cho màn pháo hoa rực rỡ ở cuối cùng. Dòng máy Leica SL2 và SL2-S hiện tại có thể tắt tính năng giảm nhiễu để tiết kiệm thời gian, đồng thời cho phép phơi sáng lên tới 30 phút. Đây thực sự là những lợi thế đáng kể khi chụp pháo hoa.
Photo: Antonio Di Benedetto - Leica Q2 | 4s, f/8, ISO 100
Ngoài các cài đặt kỹ thuật của máy ảnh, hãy tập trung vào bố cục và khung hình. Pháo hoa tạo ra hình ảnh hấp dẫn nhất khi có nhiều thứ trong khung hình hơn là chỉ có ánh sáng đầy màu sắc. Nếu khung cảnh hoặc đám đông được đưa vào ảnh, nó có thể cung cấp bối cảnh thời gian và địa điểm cụ thể hơn - giúp hình ảnh hấp dẫn hơn khi có thêm yếu tố của con người.
Một loạt pháo hoa được đặt trên bối cảnh đường chân trời của thành phố, ở giữa công viên ngoại ô, hoặc ở giữa cánh đồng nông thôn hẻo lánh tạo ra một sân khấu lớn hơn và hấp dẫn hơn cho những tia sáng nhảy múa trên bầu trời. Hãy chụp một bức ảnh cận cảnh từ xa tuyệt đẹp của pháo hoa cô lập trên bầu trời đêm, nhưng đừng quên mở rộng phối cảnh bằng ống kính góc rộng và chụp toàn bộ khung cảnh xung quanh.
Photo: Pamela Ren
SÁNG TẠO VÀ PHÁ VỠ QUY TẮC:
Trên đây là những kỹ thuật và hướng dẫn để bạn có thể chụp nhiều thể loại ảnh pháo hoa khác nhau, nhưng điều quan trọng bạn cần nhớ là mọi quy tắc trong Nhiếp ảnh đều có thể bị phá vỡ. Đôi khi một bức ảnh “tai nạn” lại mang đến sự sáng tạo mới mẻ. Các bức ảnh pháo hoa không nhất thiết phải giống những hình ảnh bạn thường thấy.
Nếu chẳng may gặp pháo hoa mà không có chân máy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp ‘vẽ ánh sáng’ (light painting) bằng cách sử dụng tốc độ chụp thấp, giữ máy ảnh bằng tay và tạo nên chuyển động chậm rãi. Rất có thể bạn sẽ tạo ra một bức ảnh trừu tượng đầy màu sắc và thú vị.
Cũng giống như pháo hoa được thiết kế để thưởng thức và kích thích các giác quan, chụp ảnh chúng cũng là điều thú vị không kém. Dù bạn đang chụp pháo hoa theo một cách bài bản, hay là nhân vật trong khung cảnh, hay đang tạo ra những bức ảnh kỳ lạ và hấp dẫn bằng ‘vẽ ánh sáng’ thì chắc chắn pháo hoa cũng sẽ mang lại niềm vui.
Hãy tận hưởng cảnh tượng, quá trình và kết quả của buổi chụp nhé!
Biên dịch: Lê Minh Đức
Biên tập: Thành Đạt Trương / LeicaVietnam
__
Leica Vietnam
Leica Boutique Hanoi: Số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - ĐT: 024 3201 4848 Leica Boutique Saigon: Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - ĐT: 028 7309 6665 Hotline: 0945 488 948 Email: info@leicavietnam.com | Website: www.leicavietnam.com Fanpage: https://www.facebook.com/leicavietnam Instagram: @leicavietnam | Youtube: Leica Vietnam