Máy ảnh cổ điển có giá trị chẳng khác gì vàng ròng - và người biết rõ điều này nhất không ai khác chính là anh Douglas So. Nhân vật lần này là nhà sưu tập đầy đam mê, không chỉ là chuyên gia về những phiên bản máy ảnh Leica hiếm có, mà anh còn là nhà sáng lập của Bảo tàng nhiếp ảnh F11 và Không gian nhiếp ảnh F22 tại Hồng Kông. Trong bài phỏng vấn này, anh chia sẻ về những bộ sưu tập ưa thích, sự phổ biến lâu dài của máy ảnh cổ điển và cách bảo quản những viên ngọc Leica đầy quý giá của anh.
• Chào anh So, anh có thể chia sẻ ý tưởng đằng sau việc thành lập Bảo tàng nhiếp ảnh F11 và Không gian nhiếp ảnh F22?
Tôi yêu nhiếp ảnh và máy ảnh, và tôi muốn tạo nên một địa điểm để những người yêu máy ảnh cũng như nhiếp ảnh có thể lui tới quanh năm. Nếu bạn để ý, tất cả các thành phố lớn trên Thế giới như New York, Paris hay London, họ đều có những địa điểm dành riêng cho nhiếp ảnh. Vậy nên ý tưởng chính đằng sau Bảo tàng F11 là để thúc đẩy nhiếp ảnh. Đồng thời tôi cũng khuyến khích việc bảo tồn di sản nhiếp ảnh, cũng như sự phát triển của các bảo tàng tư nhân.
Không gian nhiếp ảnh F22 thì đơn thuần là một gallery và cửa hàng máy ảnh. Nơi đây tạo điều kiện cho những nghệ sĩ trẻ triển lãm tác phẩm của họ, đồng thời cũng là nơi cung cấp máy ảnh tới những người yêu thích.
Phần cửa kính với hình logo và máy ảnh Leica được làm thủ công từ những năm 1960 tại không gian F22, Hongkong.
• Vậy niềm đam mê với nhiếp ảnh của anh tới từ đâu?
Nhiếp ảnh có một cách tiếp cận rất trực tiếp tới tôi. Tôi luôn thích vì nhiếp ảnh mang tới rất nhiều điều, đại diện cho nhiều khái niệm. Nhiếp ảnh có thể nói thay hàng ngàn từ, đôi khi rất to và rõ ràng.
• Thông thường, anh có hay tự chụp ảnh không?
Có chứ. Tôi luôn thích tự đi chụp, nó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Tôi thích chụp nhiếp ảnh đường phố, và vì có niềm yêu thích với các tòa nhà cổ, tôi cũng đã học chụp ảnh các công trình kiến trúc và không gian di sản.
Nhà sưu tầm Douglas So trên đường phố Hongkong với máy ảnh Leica M60.
• Anh thích máy ảnh nào nhất và vì sao?
Tôi thường sử dụng Leica M10, và bây giờ là cả Leica M Monochrom. Dù có ý định chuyển sang sử dụng máy ảnh định dạng medium format, nhưng hiện tại tôi đã quen và cảm thấy vô cùng thoải mái với hệ thống Leica M. Tôi nghĩ đây chính là hệ thống máy ảnh tôi muốn tiếp tục sử dụng.
• Điều gì đặc biệt ở máy ảnh và ống kính Leica khiến anh chú ý?
Ngoài chất lượng hình ảnh vượt trội mà hệ thống máy ảnh Leica mang tới, tôi luôn đánh giá cao thiết kế và các đổi mới. Hệ thống máy ảnh Leica cực kỳ thân thiện với người dùng. Khi đã quen với hệ thống máy ảnh rangefinder, yêu thích trải nghiệm với leica M, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy sức hút mạnh mẽ từ dòng máy này.
• Anh bắt đầu sưu tầm máy ảnh từ bao giờ vậy?
Tôi bắt đầu sưu tầm khi mua chiếc Leica M3 trên Ebay, sau khi sử dụng Leica M6. Đó chính là khởi đầu của hành trình này, đâu đó khoảng 20 năm trước. Sau đó, bộ sưu tập ngày càng lớn hơn: tôi tìm hiểu nhiều điều mới mẻ về Leica, và tiếp tục mua thêm ống kính, máy ảnh cũng như các đồ phụ kiện.
• Bộ sưu tập nào mà anh yêu thích nhất?
Thực sự là có quá nhiều thứ tôi thích. Nhưng trong tất cả, tôi thích sưu tầm máy ảnh Leica M, đặc biệt là dòng Leica MP được sản xuất vào năm 1956 và 1957. Chúng được tạo ra dành riêng cho dân chuyên nghiệp, và không sản xuất đại trà mang tính thương mại. Chỉ có 402 phiên bản như vậy được sản xuất tính tới nay, tuy nhiên những chiếc máy này trở thành đồ sưu tầm vì những tính năng vô cùng đặc biệt không có ở những chiếc máy Leica M khác.
Vậy nên hiện tại trong các cuộc đấu giá, máy Leica MP thường là mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất. Chúng giữ một giá trị rất cao, vì nhiều phiên bản trong số đó từng được sử dụng bởi các phóng viên ảnh nổi tiếng.
Chiếc Leica MP-43 cùng ống kính Summilux-M 50mm f/1.5 Black Paint. Chỉ có 138/402 bản MP này được sơn màu black paint.
Các phiên bản Leica I (bên trái) được sản xuất vào năm 1923 với series SN128 và SN129. Phiên bản Leica I (bên phải) đi kèm ống kính Anastigmat 3,5/50, chỉ có 144 phiên bản có ống kính này được sản xuất năm 1925.
• Nếu chỉ được giữ lại một thứ duy nhất trong bộ sưu tập của mình, anh sẽ lựa chọn thứ gì?
Đây thực sự là một câu hỏi rất khó! Cũng giống như đặt câu hỏi cho bố mẹ rằng đâu là đứa con họ thích nhất vậy. Nếu chỉ được giữ lại một thứ bên mình, tôi nghĩ rằng đó sẽ là một chiếc Leica phiên bản Black Paint, nhưng chính xác là máy nào thì tôi cũng không quyết định nổi.
• Chắc hẳn nhiều chiếc máy ảnh trong bộ sưu tập của anh có kết nối với các câu chuyện tuyệt vời. Câu chuyện nào làm anh thấy hứng thú nhất?
Rất nhiều máy ảnh từng thuộc về các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đó luôn là điều thu hút sự chú ý của tôi. Lấy ví dụ như có một chiếc máy ảnh từng thuộc về nhà nhiếp ảnh Ian Berry. Đó là chiếc Leica M3 được sản xuất vào năm 1967 và là một trong 10 chiếc máy M3 Black Paint cuối cùng được sản xuất. Điều làm chiếc máy đặc biệt hơn nữa chính là Leica đã thực hiện chuyển đổi để chiếc M3 có thể gắn được Leicavid giúp nhiếp ảnh gia lên phim nhanh hơn nhiều, đây là phụ kiện trước đó không thể gắn được trên M3.
Vì vậy, đối với Ian Berry, Leica đã giúp ông điều chỉnh để sử dụng được hai thiết bị cùng nhau, và ông cũng sử dụng chúng rất tốt. Tất cả các vết lộ phần kim loại trên thân máy cho thấy máy được sử dụng thường xuyên, để tạo ra các bức ảnh đẹp trong suốt sự nghiệp của nhiếp ảnh gia này. Ông ấy thậm chí còn ghi tên mình lên mặt sau của phần top plate.
Máy ảnh M3 sản xuất 1967, từng được sở hữu và sử dụng bởi nhiếp ảnh gia Magnum, Ian Berry.
• Anh có sử dụng các máy ảnh trong bộ sưu tập của mình không?
Tôi nghĩ máy ảnh cần phải được sử dụng. Nếu bạn chỉ cất chúng trong tủ 10 hay 15 năm, tôi nghĩ máy sẽ gặp vấn đề, cho dù chúng là máy ảnh cơ học. Vậy nên việc thi thoảng sử dụng những chiếc máy này và thử ở các tốc độ chụp khác nhau là cần thiết để máy ảnh luôn được giữ ở trạng thái tốt.
• Tại sao anh lại nghĩ rằng máy ảnh cổ điển ngày càng trở nên phổ biến?
Đối với tôi, những chiếc máy này luôn đem lại cảm nhận về thời gian. Một chiếc máy ảnh cổ điển có thể đưa bạn quay ngược thời gian và cho bạn cảm giác về cách nó tương tác với lịch sử cũng như những người chủ cũ. Nó cũng cho thấy được những công nghệ từng tồn tại ở thời điểm đó.
Vậy nên nếu bạn nhìn vào một chiếc máy ảnh cổ điển trong bối cảnh phát triển của nhiếp ảnh, bạn sẽ thấy chiếc máy trở nên thú vị hơn rất nhiều. Hơn nữa, chúng đều là máy ảnh analog, bạn sẽ cần hiểu được cách chúng vận hành. Tôi nghĩ rằng hiện nay, những người trẻ đang đặc biệt thích sử dụng những loại máy ảnh như thế này. Họ muốn quay lại với trải nghiệm này. Và trên thực tế, mọi máy móc cơ học đều đang mang tới trải nghiệm hoàn toàn khác biệt tới giới trẻ.
• Nếu được đưa ra lời khuyên cho những nhà sưu tầm mới vào nghề, theo anh đó sẽ là gì?
Tôi sẽ khuyên họ rằng, hay nghiên cứu thật kỹ lưỡng và xem xét thật cẩn thận để bạn có thể hiểu rõ sản phẩm đang có trước mặt bạn. Và đừng tin mọi thứ mà bạn nhìn thấy! Đã có rất nhiều tài liệu về máy ảnh, ống kính cũng như phụ kiện của Leica trong suốt ngần ấy năm, và đó là điều rất quan trọng một nhà sưu tầm Leica phải biết. Những người mới bắt đầu nên nghiên cứu kỹ các tài liệu này. Sau đó, họ có thể phân biệt được đâu là sản phẩm thật và giả.
Vậy nên tôi nghĩ điều quan trọng là có sự hiểu biết tốt về máy ảnh cổ điển cũng như khả năng định giá tốt với các tính năng đặc biệt. Niềm vui cuối cùng sẽ đến từ việc chia sẻ những điều bạn biết với mọi người.
• Có điều gì cần xem xét kỹ để một chiếc máy ảnh sưu tầm có thể giữ giá, hoặc tốt hơn, là tăng giá trị sau này hay không?
Bạn nên thử tìm kiếm những chiếc máy ở trong tình trạng đẹp và nguyên bản, bởi đó là điều kiện tiên quyết để giữ giá trị. Máy ảnh cổ điển trong tình trạng mới hoặc gần như mới rất khó để tìm. Tất cả mọi người đều hy vọng có thể kiếm được chúng trong tình trạng tốt nhất. Nếu tìm thấy một chiếc máy ảnh trong điều kiện mới 95% - Chúc mừng bạn, hãy giữ lấy nó! Tuy nhiên nếu bạn tìm thấy một phiên bản còn mới tới 99%, hãy trao đổi chúng và giữ lại bản tốt hơn.
• Điều gì anh thấy đặc biệt ở hội chợ đấu giá Leitz Photographica Auction?
Với tôi, đó là hội chợ đấu giá Quốc tế lớn nhất Thế giới. Cứ mỗi nửa năm, bạn lại có thể xem danh mục đấu giá với hàng trăm mặt hàng, của Leica và cả những thương hiệu khác. Thật tuyệt vời khi một đấu giá như vậy diễn ra được kết hợp với rất nhiều nghiên cứu. Tôi luôn thích việc tìm hiểu danh mục sản phẩm và học từ các bài viết mới.
Đôi khi, nếu đủ may mắn, tôi trực tiếp tới khuôn viên cuộc đấu giá, như đã từng làm năm 2019. Đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Việc Leica tổ chức hội chợ đấu giá mang lại rất nhiều sự tin tưởng cũng như sự tự tin cho các nhà sưu tầm.
Phiên bản MP đầu tiên từng được Leica sản xuất, từng được sở hữu bởi nhiếp ảnh gia Stuart Franklin.
• Vậy anh đã mua máy ảnh nào tại hội chợ đấu giá Leitz Photographica Auction?
Tôi đã rất may mắn khi có được một chiếc Leica MP, từng được sử dụng bởi nhiếp ảnh gia Magnum kì cựu, Stuart Franklin. Đó là chiếc máy ảnh Leica MP đầu tiên, được giao cho Stuart vào năm 2003. Ông ấy đã đi khắp Thế giới để chụp những tấm ảnh vô cùng quan trọng. Chiếc máy ảnh không chỉ đặc biệt bởi người chủ cũ, mà nó còn là phiên bản Leica MP đầu tiên từng được sản xuất trên Thế giới này.
Chân dung nhà sưu tầm Douglas So.
Biên dịch: Thành Đạt Trương / LeicaVietnam
__
Leica Vietnam
Leica Boutique Hanoi: Số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - ĐT: 024 3201 4848
Leica Boutique Saigon: Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - ĐT: 028 7309 6665
Hotline: 0945 488 948
Email: info@leicavietnam.com | Website: www.leicavietnam.com
Fanpage: https://www.facebook.com/leicavietnam
Instagram: @leicavietnam | Youtube: Leica Vietnam