LEICA VIETNAM | TUAN.FR - "DEMOISELLE" TRÊN LEICA S MAGAZINE
  • Liên hệ: 0945 488 948
  • Brand Story

LEICA VIETNAM | TUAN.FR - "DEMOISELLE" TRÊN LEICA S MAGAZINE

Bộ hình “Demoiselle” của Nhiếp ảnh gia Lê Tuấn Anh (@Tuanfr) mới đây đã được phỏng vấn và giới thiệu trên tạp chí Leica S Magazine - Tạp chí uy tín dành riêng cho những Nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, có những góc nhìn và ngôn ngữ hình ảnh sáng tạo.

“Demoiselle” hay “Thiếu nữ” là bộ hình màu sắc và tinh tế của anh được lấy cảm hứng từ những cảnh trí cũ mới đan xen lẫn nhau ở Sài Gòn. Là đại sứ Leica Vietnam, Nhiếp ảnh gia Tuanfr có cơ hội thực hiện bộ hình bằng chiếc Leica SL2 trước cả khi máy ảnh được tung ra trên thị trường.

Trong bài phỏng vấn với tạp chí Leica S, Nhiếp ảnh gia Tuanfr đã chia sẻ về cách lên ý tưởng, về nghệ sĩ đã tạo cảm hứng cho anh và tại sao mô tả của Einstein về chơi đùa như là "đỉnh cao của nghiên cứu" cũng có thể được áp dụng trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Đây là một bộ hình được đặt hàng hay là một dự án độc lập của anh?

Bộ hình được thực hiện như một dự án cá nhân, đáng lẽ ra được lên kế hoạch chụp ở ngoại cảnh. Tôi đã chọn ra những địa điểm rất cụ thể, nhưng vào đúng ngày chụp, trời bỗng đổ cơn mưa lớn khiến chúng tôi không thể tiến hành được. Vì thế chúng tôi quyết định ở lại studio và coi đây như là một buổi chụp trù bị. Cuối cùng bộ hình lại cho kết quả tốt và có được chỗ đứng riêng. Dẫu vậy tôi vẫn hi vọng có thể hoàn thành bộ hình ngoài trời như dự tính ban đầu vào một ngày nào đó.

Cảm hứng của anh cho bộ hình này đến từ đâu?

Tiêu đề của bộ hình được dựa trên bài thơ "Thiếu Nữ" mà sang tiếng Anh có thể hiểu là “Young lady" hay “Demoiselle". Bài thơ được viết bởi nhà thơ yêu thích nhất của tôi, Bùi Giáng, có một cách mô tả lãng mạn và đầy ẩn dụ những màu sắc của phong cảnh. Tôi rất thích bài thơ này và chắc chắn nó đã góp phần vào việc lên ý tưởng cho bộ hình. Nhưng động lực chính của tôi là để làm bật sự khác biệt giữa những cảnh trí cũ và mới, giữa đô thị hoá và truyền thống ở Sài Gòn.

Bộ hình được thực hiện khi nào?

Tháng 10/2019, tại studio của tôi ở Sài Gòn.

Nhiếp ảnh giúp anh thể hiện quan điểm cá nhân như thế nào?

Với tôi, nhiếp ảnh là phương tiện cho phép mình thể hiện cái nhìn và cảm xúc riêng; đồng thời cũng là một cách nhìn vào chính mình để hiểu thêm về bản thân. Chính qua nhiếp ảnh mà tôi tìm ra được những giá trị đính thực của mình. Sau tất cả, Einstein từng nói "chơi đùa chính là đỉnh cao của nghiên cứu" - tôi coi như là kim chỉ nam cho bản thân.

 

Điều gì mang anh đến với nhiếp ảnh?

Khi đang theo học kinh tế ở Paris và cảm thấy khá chán nản bỗng một ngày tôi trông thấy một tấm áp phích rất đẹp trong tàu điện ngầm và lập tức nghĩ mình cũng muốn một ngày nào đó làm ra được những thứ như thế này. Thế là tôi chuyển sang học về nhiếp ảnh.

Những ảnh hưởng nào đã giúp anh phát triển cái nhìn riêng của mình?

Tôi có thể học hỏi từ bất kì nhiếp ảnh gia giỏi nào. Tuy nhiên, vào thời sinh viên tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Jean-Paul Goude (nhà thiết kế mỹ thuật, minh hoạ, nhiếp ảnh, làm phim quảng cáo người Pháp). Ông ấy là một ví dụ mẫu mực đáng kinh ngạc trong việc biến đổi từ trí tượng tượng ra hình ảnh cụ thể.

 

Tôi có cảm giác rằng anh cũng yêu thích các loại hình nghệ thuật khác, ví dụ như hội hoạ. Có nghệ sĩ nào anh ngưỡng mộ đặc biệt không?

Đúng rồi, tôi rất đam mê trường phái siêu thực, đó là lí do vì sao tôi thích Magritte. Ngoài ra tôi cũng rất thích các hoạ sĩ như Hopper, Bacon hay Lucian Freud.

Trong bộ hình này, anh đa tạo ra một nhân vật giả tưởng mà tạo hình trông có vẻ như được tổng hoà từ nhiều tham chiếu văn hoá khác nhau. Anh có thể nói cho chúng tôi biết về quá trình này được không?

Dù không thể thực hiện được bộ hình này ở ngoại cảnh, ý định chính của tôi vẫn là truyền tải sự tương phản giữa một Sài Gòn hiện đại, đô thị và những hình hài cũ của thành phố. Ngay bây giờ Sài Gòn đang ở một quá trình chuyển hoá quan trọng, càng ngày càng bị thống trị bởi những toà nhà chọc trời bằng kính nhưng vẫn có những yếu tố lịch sử xen kẽ ở giữa.

 

“Demoiselle” trông rất khác với dự án trước của anh, "The Stranger", ở đó anh đã soi chiếu bản thân với nhân vật chính của tiểu thuyết "Kẻ Xa Lạ" của Albert Camus - mà không phải vì lí do bộ hình đó được chụp ở ngoại cảnh. Anh có ưu tiên chụp ở studio hơn ngoại cảnh không?

Lợi ích lớn nhất của việc chụp trong thiên nhiên là có những bối cảnh ngoài dự tính có thể mang lại rất nhiều khoảnh khắc ngẫu nhiên. Trong studio, bạn có thể chuẩn bị tốt và tối thiểu hoá những rủi ro từ những điều không mong chờ - điều này tuy nhiên lại có những mặt tích cực và tiêu cực.

Việc tạo hình mang tính hậu hiện đại để mô tả "Thiếu Nữ" được thực hiện như thế nào? Có một điều gì đó rất mới lạ, thậm chí là siêu thực trong trang phục và phụ kiện - chúng được tìm ở đâu?

Phần lớn trang phục và phụ kiện được tìm thấy ở những thương hiệu bản địa. Tôi có thể chụp bất cứ thứ gì, miễn là phù hợp với ý tưởng.

 

Anh sử dụng những thiết bị gì để thực hiện bộ hình này?

Tôi dùng máy Leica SL2 và ống kính Vario-Elmarit-SL 24-90 f/2.8-4 ASPH., một bộ đôi siêu đẳng. Là đại sứ cho Leica Vietnam, tôi có được ưu tiên dùng thử máy ảnh ngay cả trước lúc nó được phát hành.

Khía cạnh nào của bộ máy ảnh và ống kính này làm anh đặc biệt thích?

Tôi thích tất cả mọi thứ ở chiếc SL2: từ dynamic range, màu sắc cho tới cảm biến 47 triệu điểm ảnh và chế độ lấy nét tự động tuyệt vời. Đối với ống kính Vario-Elmarit-SL 24-90, một ống kính rất đa năng cho phép người chụp đặt được khung hình từ góc rộng tới chân dung cận mặt mà không phải thay ống kính.

Kế hoạch trong tương lai gần của anh là gì?

Ngoài việc sẽ thực hiện phiên bản ngoại cảnh của bộ hình này ra tôi còn một số ý tưởng đang được triển khai, nhưng tôi tạm thời sẽ chưa công bố.

 

 
 

©Tuanfr

Tìm hiểu thêm:

 

Biên dịch: Thành Đạt Trương / LeicaVietnam
__

Leica Vietnam

Leica Boutique Hanoi: Số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - ĐT: 024 3201 4848
Leica Boutique Saigon: Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - ĐT: 028 7309 6665
Hotline: 0945 488 948
Email: info@leicavietnam.com | Website: www.leicavietnam.com
Fanpage: https://www.facebook.com/leicavietnam
Instagram: @leicavietnam | Youtube: Leica Vietnam