LEICA PORTRAIT | JOEP HIJWEGEN: BLUE HOURS - KHI THÀNH PHỐ LÊN ĐÈN
  • Liên hệ: 0945 488 948
  • Brand Story

LEICA PORTRAIT | JOEP HIJWEGEN: BLUE HOURS - KHI THÀNH PHỐ LÊN ĐÈN

Joep Hijwegen và chiếc Leica SL cùng tìm kiếm những khoảng khắc đẹp khi bầu không khí của thành phố chìm dần vào im lặng và bóng mặt trời dần mờ đi. Với bởi bản năng và khả năng cảm thụ thẩm mỹ của mình, Joep lang thang trên đường phố Utrecht và Amsterdam mỗi buổi chiều tối. Câu chuyện của anh phát triển theo thời gian để miêu tả về một thành phố được thắp sáng bằng những ngọn đèn neon đang nằm im lìm trong bế tắc, nơi mà những điều bình thường bỗng trở nên kỳ diệu.

Trong suốt thời gian thành phố đóng cửa, anh đã thực hiện loạt ảnh mang tính siêu thực và đậm chất điện ảnh, mang đến cảm giác của những bộ phim khoa học viễn tưởng.

© Joep Hijwegen
 

Sau khi mặt trời lặn, anh có vẻ rất thích khám phá các thành phố. Điều gì khiến anh hứng thú khi ở trong bóng tối và sáng tác với ánh sáng nhân tạo?

Tính thẩm mỹ và bầu không khí của đêm là điều khiến tôi bị thu hút. Quan trọng nhất là nó giúp tôi hình dung ra một góc nhìn khác, giống như một giấc mơ. Mọi thứ đều tập trung và biến chuyển nhiều hơn so với ban ngày. Thật khó để trải nghiệm cảm nhận môi trường xung quanh do thiếu ánh sáng tự nhiên. Đồng thời, ánh sáng luôn chuyển động không ngừng mỗi giây. Cảm nhận của tôi về màn đêm phủ xuống thành phố như là một giấc mơ điện ảnh vậy.

Bộ ảnh này có phải là kết quả của một ý tưởng định sẵn hay anh chỉ đơn giản ghi lại những gì anh thấy theo một cách độc đáo của riêng mình?

Cuốn sách và dự án mới nhất của tôi: Blue Hours, là lần đầu tiên tôi thực sự làm việc với một dự án thay vì chỉ biên tập từng hình ảnh trong một thời điểm. Mặc dù vậy, đó không phải là kết quả của một ý tưởng đã có từ trước.

Sau một thời gian cách ly và trải qua một mối quan hệ không như ý, tôi nhận thấy sự thay đổi trạng thái tinh thần của bản thân, điều mà sau đó tôi được phản ánh qua các bức ảnh của mình. Một khi tôi nhìn thấy những khung cảnh có nhiều hình dạng tự nhiên và ít con người xuất hiện hơn, tôi cảm thấy tràn đầy sức sống và nguồn năng lượng này sẽ không thể tồn tại mãi mãi; vì vậy tôi quyết định đi theo tiếng gọi của bản năng.

© Joep Hijwegen
 
© Joep Hijwegen
 

Điều gì thu hút sự chú ý của anh trong hành trình sáng tác? Anh có chủ đề hoặc địa điểm yêu thích nào không?

Bất cứ sự vật nào khiến tôi phải dừng lại và giơ máy ảnh lên, tôi sẽ cố gắng ghi lại nhiều hình ảnh nhất có thể. Tôi thường chủ yếu ghi lại những hình ảnh về con người hoặc những yếu tố hoài cổ, nhưng chúng đã biến mất trong bộ ảnh này, và những thứ mới, chẳng hạn như cây cối và biển báo, xuất hiện một cách bất ngờ. Điều này cũng làm tôi ngạc nhiên, bởi bản thân tôi đã từng rất ghét những chi tiết này trong hình ảnh và luôn cố để loại bỏ chúng trong hình ảnh của mình.

Trong quá trình chụp ảnh của tôi sau này, tôi nhận ra tại sao tôi lại yêu chúng. Tôi bị thu hút bởi tính thẩm mỹ, nhưng tính thẩm mỹ đó cũng phải mang ý nghĩa biểu tượng.

© Joep Hijwegen

© Joep Hijwegen
 
© Joep Hijwegen
 

Những bức ảnh của hầu như không có yếu tố con người. Khi anh thực hiện dự án này, việc giãn cách xã hội đóng vai trò như thế nào?

Các địa điểm chụp của tôi đều vắng vẻ ngay cả trước giãn cách xã hội, vì vậy trên lý thuyết, tôi có thể thực hiện dự án này mà không bị hạn chế về môi trường chụp. Tuy nhiên, nếu không có giãn cách xã hội, tôi sẽ không thể khám phá những khu vực này. Mong muốn của tôi là ghi lại những cảm xúc của mình, cũng như vẻ hoang vắng của thành phố.

Vẻ u sầu, siêu thực và tính thẩm mỹ đầy sáng tạo trong những hình ảnh này thật hấp dẫn. Điều gì ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách nhiếp ảnh của anh?

Hầu hết cảm hứng thị giác của tôi nằm ngoài phạm trù nhiếp ảnh, chủ yếu chúng đến từ hội họa theo trường phái Biểu hiện và trường phái Ấn tượng, một phần đến từ các bộ phim khoa học viễn tưởng của cuối thế kỷ 20. Hội hoạ ảnh hưởng đến tôi trong cách nghĩ về kết cấu và bố cục màu sắc. Đối với tôi, một bức ảnh vẫn sẽ có vẻ đẹp ngay cả khi bạn đã làm mờ nó hoàn toàn và lộn ngược nó. Tôi muốn những mảng màu sắc và ánh sáng mang lại cho cảm giác ‘thật đã’.

Bên cạnh đó, những bộ phim khoa học viễn tưởng là nguồn cảm hứng cho cả chủ đề và thẩm mỹ nói chung. Những thế giới được cường điệu hóa luôn mang lại sự hấp dẫn đối với tôi, chẳng hạn như Cyberpunk: đó là khi văn hóa đại chúng và hình ảnh quảng cáo được phát triển mạnh tới mức khiến chúng trở thành nghệ thuật. Những bộ phim đó đã chứng minh rằng, bằng cách cường điều hóa những phần thừa thãi của văn hóa thị giác đại chúng, chúng ta có thể nêu lên những ám ảnh và thói xấu của xã hội, và điều đó cũng là một trong những lý do thúc đẩy tôi.

© Joep Hijwegen
 

Anh bắt đầu với nhiếp ảnh từ bao giờ, và niềm đam mê ấy đã phát triển như thế nào?

Nhiếp ảnh đến với tôi như một liệu pháp nhằm vượt qua nỗi sợ bản thân về những điều đã qua: Tôi bắt đầu chụp những bức ảnh đầu tiên theo dạng nhật ký hình ảnh, để ghi lại về những nơi đã tới và những việc đã làm. Sau một thời ngắn, tôi nhận ra sức mạnh lớn nhất của ‘liệu pháp’ nhiếp ảnh nằm ở khả năng sáng tạo ra những điều mới lạ từ những tình huống sẵn có.

Bằng cách bấm chụp, tôi không chỉ ghi nhận lại Thế giới sẵn có, tôi tạo ra một Thế giới hoàn toàn mới. Chúng ta có thể biến đổi thực tại theo cách riêng thông qua nhiếp ảnh, đây cũng chính là cảm hứng và động lực lớn nhất của tôi. Tôi muốn diễn tả những trải nghiệm của mình với Thế giới, không chỉ bằng ghi nhận sự việc đơn thuần, mà tường thuật chúng thông qua góc nhìn riêng của mình.

© Joep Hijwegen

© Joep Hijwegen
 

Anh dường như luôn cân bằng một cách cẩn trọng giữa tính thẩm mỹ và tâm trạng trong các tác phẩm. Vậy yếu tố nào quan trọng hơn? Có điều gì anh muốn khơi gợi ở người xem không?

Với tôi, hai yếu tố này liên kết chặt chẽ và bổ sung lẫn nhau. Ngay cả tình huống thú vị nhất trong điều kiện ánh sáng tệ cũng sẽ dẫn đến một bức ảnh kém, ít nhất là theo góc nhìn của tôi. Một thứ chỉ tạo ấn tượng với tôi khi chúng sở hữu vẻ đẹp thẩm mỹ và dù chủ thể là gì đi nữa, tôi chỉ quan tâm tới chúng khi tôi có thể sắp xếp chúng theo một cách làm thỏa mãn bản thân mình.

Điều này cũng dựa trên mục tiêu của tôi với nhiếp ảnh: Thể hiện sức mạnh của tính chủ quan. Nhiếp ảnh với tôi là sự tìm kiếm ý nghĩa và trật tự trong một Thế giới đầy sự ngẫu nhiên và hỗn loạn. Hy vọng tôi có thể truyền cảm hứng cho những người khác làm điều tương tự.

Điều gì đã dẫn dắt anh đến với thế giới của máy ảnh Leica?

Máy ảnh đầu tiên của tôi là một chiếc polaroid nhỏ. Sau đó, tôi đã mua chiếc Leica M3 như một chiếc máy ảnh ‘trị liệu’ để sử dụng bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi với thiết bị số. Tôi vô cùng yêu thích vẻ ngoài, cách sử dụng cũng như trải nghiệm với máy ảnh rangefinder và nhanh chóng nhận ra mong muốn trải nghiệm các máy ảnh số giống vậy.

Sau khoảng thời gian trải nghiệm với nhiều loại thiết bị, tôi quyết định sở hữu chiếc Leica SL với sự chính xác cao cho công việc và một chiếc Leica M9-P cho những tác vụ hàng ngày. Kết hợp cùng bộ đôi Leica M3 và R4, với quy trình làm việc đan xen giữa máy phim và kỹ thuật số có sự tương đồng cao, tôi không cần tốn thời gian để làm quen hay thay đổi thói quen làm việc của mình.

© Joep Hijwegen
 

Anh đã thực hiện dự án này với Leica SL. Chiếc máy này ảnh đã giúp anh hoàn thành mục tiêu như thế nào?

Theo tôi, kính ngắm điện thử (EVF) đã mang lại tác động tích cực lớn nhất. Tôi vẫn luôn ưa thích những ống kính cổ điển lấy nét bằng tay bởi hình ảnh và cảm nhận chúng mang lại. Tuy nhiên, những chiếc máy ảnh trước đây thường mang lại đôi chút khó chịu khi có sự sai khác giữa lúc chụp và khi xem lại trên màn hình. Với kính ngắm điện tử của Leica SL, tôi luôn thấy được chính xác những gì mình chụp.

Một điểm khác tôi rất thích ở Leica SL chính là tông màu ảnh đẹp và tự nhiên, từ đây tôi có thể nhìn ra được thêm tiềm năng từ những khung cảnh đáng ra đã có thể bỏ qua. Chiếc máy cho phép tùy biến điều khiển mạnh mẽ trên thiết kế tối giản ít nút bấm, đồng nghĩa với việc bạn chỉ cần cài đặt một lần duy nhất theo đúng ý để sử dụng và không cần nghĩ thêm về nó sau này.

Điều đó thật tuyệt, khi bạn ít phải bận tâm tới thiết bị trong quá trình chụp, bạn sẽ có nhiều không gian hơn để bản năng nhiếp ảnh dẫn lối.

© Joep Hijwegen

Anh có phương pháp tiếp cận nhiếp ảnh cụ thể nào khi thực hiện các dự án không?

Đối với “Blue Hours”, thời gian và địa điểm là rất quan trọng. Tôi chỉ bắt đầu chụp sau hoàng hôn và chỉ lựa chọn những khu vực đô thị vắng vẻ. Điều này đòi hỏi việc lên kế hoạch và một khung giờ cố định để khám phá mỗi ngày, thường là sau khi mặt trời lặn. Ngoài điều đó ra thì không có cách tiếp cận cụ thể nào cả, ngoại trừ việc cho phép đôi mắt và bản năng của tôi dẫn đường.

Điều khó nhất có lẽ là việc ngăn bản thân tự tạo ra những rào cản hay giới hạn về những yếu tố phù hợp với dự án. Thay vào đó, tôi cố gắng chỉ làm theo những gì thôi thúc mình, chụp lại bất cứ điều gì mình cảm thấy đẹp.

Chân dung Nhiếp ảnh gia Joep Hijwegen

Joep Hijwegen (1994) là một nhiếp ảnh gia nghệ thuật tự học, sống tại Utrecht, Hà Lan. Sinh ra ở một ngôi làng nông thôn, lần đầu tiên anh cầm máy ảnh khi đang làm học bằng Cử nhân Triết học ở Utrecht. Ban đầu chỉ chụp ảnh như một hình thức tự trị liệu, càng ngày anh càng bị ám ảnh bởi ý niệm này như một cách ‘tái định hình và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống’.

Anh gia nhập Phòng trưng bày Kahmann ở Amsterdam vào năm 2020, thực hiện các dự án thương mại thông qua Underpromise Agency. Hijwegen đã tự xuất bản 2 cuốn sách: với ‘Blue Hours’ hiện đang được tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên. Anh đặc biệt say mê triết học hiện sinh, phim khoa học viễn tưởng, nhạc cụ jazz và hip hop,… đây đều là những nguồn cảm hứng của Nhiếp ảnh gia này.

Tìm hiểu thêm về Joep Hijwegen: www.joephijwegen.com/


Biên dịch: Lê Minh Đức
Biên tập: Thành Đạt Trương

__

Leica Vietnam

Leica Boutique Hanoi: Số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội - ĐT: 024 3201 4848
Leica Boutique Saigon: Deutsches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - ĐT: 028 7309 6665
Hotline: 0945 488 948
Email: info@leicavietnam.com | Website: www.leicavietnam.com
Fanpage: https://www.facebook.com/leicavietnam
Instagram: @leicavietnam | Youtube: Leica Vietnam